Ý nghĩa của ngày thiếu nhi – Kodomo no Hi
Ngày Thiếu nhi Kodomo no Hi (こどもの日) là một ngày lễ quốc gia của Nhật Bản. Kodomo no Hi được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 5 và là ngày lễ cuối cùng trong Tuần lễ Vàng. Đây còn là ngày dành để cầu chúc cho các bé trai được khỏe mạnh, thông minh và hạnh phúc.
Lịch sử của ngày Kodomo no Hi
Kodomo no Hi ban đầu được gọi là Tango no Sekku (端午の節句). Ban đầu ngày này chỉ cho nam giới để chào mừng các bé trai và tôn vinh những người cha. Sau đó đã được thay đổi bao gồm cả bé gái, cũng như tôn vinh các bà mẹ. Tuy nhiên, Tango no sekku được biết đến nhiều với ý nghĩa là Ngày của các bé trai.
Ý nghĩa của Cờ cá chép – Koinobori
Những ngày đầu tháng 5 người Nhật thường treo cờ Koinobori để cầu chúc cho những bé trai sẽ khoẻ mạnh và thông minh. Bộ cờ cá chép này còn mang một ý nghĩa đặc biệt đó là “Cá vượt vũ môn”. Vì vậy, nếu đến Nhật vào tháng 5 bạn sẽ thấy rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió.
Mỗi nhà sẽ treo 3 hoặc 5 cờ, với 5 màu chủ đạo là: xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím. Những lá cờ cá chép đầy màu sắc được treo trên mái nhà hoặc hành lang chung cư của các gia đình có con trai. Ngoài ra, họ còn trang trí các bộ áo giáp Kabuto với ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống.
Mũ đội Kabuto
Ngoài cờ cá chép, mũ đội đầu kabuto cũng được dùng để trưng bày. Có cả sự kiện để các bé tự tay làm mũ kabuto bằng giấy và đội chúng lên đầu. Mũ kabuto là vật dùng để bảo vệ đầu, nên tượng trưng cho việc “hộ thân”. Thế nên, việc trang trí mũ kabuto được tương truyền giúp bảo vệ trẻ em khỏi nguy hiểm, lớn lên trong sự an toàn.
Ẩm thực trong ngày Kodomo no Hi
Người Nhật thường có những món ăn dành riêng cho những ngày lễ hội, hoặc ngày Tết. Mỗi món ăn thường chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt. Đồng thời, thông qua ẩm thực để trao gửi những cầu mong, ước nguyện.
Kashiwa mochi
Kashiwa-mochi là một loại với lớp vỏ ngoài làm từ bột gạo và nhân ngọt bên trong, được gói bằng lá cây sồi. Người ta nói rằng những chiếc lá già của cây sồi sẽ không rụng cho đến khi những chồi mới xuất hiện. Vì lý do này vào Lễ hội các bé trai, Kashiwa mochi mang ý nghĩa cầu chúc cho sự thịnh vượng của con cháu.
Củ sen
Theo như hình dáng của củ sen khi được cắt lát ra chúng ta sẽ thấy rất nhiều lỗ tròn. Món ăn có củ sen xuất hiện trong ngày Tango no sekku với ý nghĩa mong mỏi con cái sẽ nhìn xa trông rộng và thông minh sáng suốt.
Măng
Những món ăn kết hợp với măng tươi cũng được đưa vào danh sách ẩm thực cho ngày Kodomo no Hi. Người Nhật quan niệm rằng măng mang ý nghĩa là cầu chúc cho con cái trưởng thành và phát tài như những cây măng non vươn mình tươi tốt.
Các loại đậu
Các loại đậu nói chung trong tiếng Nhật là 豆 đọc là “Mame”. Ngoài ra, “mame” còn có một ý nghĩa chỉ tính cách đó là siêng năng, chăm chỉ. Do đó, các bố mẹ người Nhật cho các bé ăn đậu vào ngày này nhằm cầu mong các bé sẽ học hành chăm chỉ, siêng năng.
Tham khảo: wikipediahttps://japan-gyouji.com; https://vi.wikipedia.org;Featured image by: https://shino2me.com