1. Ông từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc ở Mỹ
Vào năm 6 tuổi, Fumio Kishida đã cùng gia đình chuyển đến New York sinh sống do yêu cầu công việc của cha mình, ông Fumitake Kishida. Theo chia sẻ của ông Fumio Kishida trên đài ABEMA TIMES, ông từng học ở một trường tiểu học tại quận Queens, thành phố New York, Mỹ và có những trải nghiệm không mấy tốt đẹp khi trở thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc.
Trong chuyến dã ngoại của trường, thầy giáo đã yêu cầu một bạn nữ trong lớp nắm tay Kishida nhưng cô bé từ chối bởi vì Kishida không phải người da trắng. Bọn trẻ trong lớp thường dè bỉu khi ông bước vào nhà tắm và Kishida khi ấy trở thành đối tượng hứng chịu những lời miệt thị. Chính những trải nghiệm này đã khơi dậy nhận thức mạnh mẽ về công lý trong ông. Kishida tin rằng đây chính là điểm xuất phát khơi dậy ước mong trở thành một chính trị gia của mình. Mặc dù từng chịu nhiều khó khăn nhưng ông rất ấn tượng với một nước Mỹ “cởi mở” và “tự do” trong những năm tháng sinh sống tại đây.
2. Ba lần trượt kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Tokyo
Sau ba năm sống ở Mỹ, ông Kishida quay trở về Tokyo và theo học tại trường Tiểu học Nagatacho và Trung học cơ sở Kojimachi ở quận Chiyoda trước khi thi đậu vào Học viện Kaisei danh tiếng, ngôi trường có số lượng học sinh thi đậu Đại học Tokyo nhiều nhất cả nước trong suốt 40 năm.
Kết thúc cấp 3, ông Kishida có nguyện vọng thi vào trường Đại học Tokyo nhưng đã không may mắn và trượt 3 lần liên tiếp vào các năm 1976, 1977, 1978. Trong năm 1978, ông đồng thời tham gia kỳ thi tuyển sinh của Đại học Waseda và Đại học Keio. Cuối cùng, Kishida đã chọn theo học ngành Luật tại Đại học Waseda và sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Ngân hàng Tín dụng Dài hạn Nhật Bản (Long-Term Credit Bank of Japan – LTCB).
3. Xuất thân từ gia đình chính trị
Truyền thống chính trị cha truyền con nối rất phổ biến tại Nhật Bản, đa số các Thủ tướng thời hậu chiến đều xuất thân từ gia đình chính trị và Kishida không phải là ngoại lệ. Ông chọn làm việc tại ngân hàng sau khi tốt nghiệp ngành Luật ở Đại học Waseda, nhưng đã quyết định trở thành chính trị gia khi đảm nhiệm vị trí thư ký cho cha mình, ông Fumitake trong cuộc tranh cử vào Hạ viện vào năm 1987. Tuy vậy, khi nghe con trai chia sẻ mong muốn theo nghiệp chính trị, ông Fumitake đã cố gắng khuyên con nên chọn một con đường khác và cảnh báo rằng “Chẳng có điều gì ngọt ngào trong thế giới chính trị”. Nhưng Fumio Kishida vẫn quyết tâm với con đường đã chọn.
Sau khi cha ông qua đời vào năm 1992, Kishida tiếp tục tranh cử và trở thành một thành viên của Hạ viện đại diện cho quê hương Hiroshima, tiếp nối con đường chính trị của gia đình. Không chỉ cha ông mà cả ông nội Masaki cũng từng là thành viên của Hạ viện, đồng thời cựu Thủ tướng Kiichi Miyazawa và Cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoichi Miyazawa với gia đình Kishida cũng có quan hệ họ hàng.
4. Ủng hộ chính sách giải trừ vũ khí hạt nhân
Kishida sinh vào ngày 29/7/1957 tại Shibuya, Tokyo nhưng vì gia đình ông có gốc từ Hiroshima nên họ thường trở về quê nhà vào mỗi mùa hè. Nhiều thành viên trong dòng tộc của Kishida đã qua đời trong vụ đánh bom nguyên tử lịch sử vào ngày 6/8/1945. Ngay từ khi còn nhỏ, Kishida đã rất chăm chú lắng nghe những câu chuyện của bà mình về sự tàn phá của bom nguyên tử với thành phố Hiroshima.
Trong cuốn sách “Hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân” (Toward A World Without Nuclear Weapons), Kishida đã viết: “Với tôi, “Hibakusha” (被爆者 – nạn nhân của bom nguyên tử) rất chân thực” và ông tin rằng “Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân” là một bước đi vô cùng ý nghĩa để hiện thực hóa một thế giới không vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không hề dễ dàng để biến viễn cảnh này thành sự thật bởi các cường quốc về vũ khí hạt nhân vẫn chưa coi trọng vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
5. Có công lớn trong việc sắp xếp chuyến viếng thăm của Cựu Tổng thống Mỹ Obama đến Hiroshima
Trong thời gian đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ năm 2012 đến năm 2017, tháng 4/2016, Kishida đã tổ chức một cuộc họp dành cho các Bộ trưởng Ngoại giao của khối G7 (gồm các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italy) tại thành phố Hiroshima, trong đó có sự tham dự của John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ. Theo ông Kishida, trong cuộc họp mặt này, nhiều cuộc đàm phán kéo dài và đầy “tế nhị” bởi các thành viên tham gia có những quan điểm khác biệt về vũ khí hạt nhân.
Sau tất cả những nỗ lực để tổ chức cuộc họp, ông Kishida đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi khi đề cập đến khả năng Barack Obama có một chuyến thăm chính thức đến Hiroshima với ông Kerry. Một tháng sau, điều ước đã thành hiện thực. Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đến Hiroshima đánh dấu một bước ngoặt lớn trong vấn đề vũ khí hạt nhân đầy tranh cãi. Chưa bao giờ một Tổng thống Mỹ đương nhiệm lại đến thăm thành phố Hiroshima, nơi Mỹ từng đánh bom nguyên tử vào năm 1945.
6. Bộ trưởng Bộ ngoại giao có thời gian tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản kể từ thời hậu chiến
Từ năm 2007, Kishida bắt đầu phục vụ trong Nội các của Thủ tướng Yasuo Fukuoda với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Okinawa và các vùng lãnh thổ phía Bắc. Đến ngày 26/12/2012, sau chiến thắng của Đảng Dân chủ tự do (LDP) và Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản, Kishida đã được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Nội các của Abe và đảm nhiệm cương vị này đến năm 2017. Tổng thời gian tại nhiệm của Kishida ở cương vị này là 4 năm 7 tháng, phá vỡ kỷ lục do Shintaro Abe, cha của Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thiết lập trước đó và trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại giao có thời gian tại nhiệm lâu nhất của Nhật kể từ thời hậu chiến.
Ngoài ghi dấu ấn trong việc sắp xếp chuyến thăm lịch sử của Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hiroshima, Kishida cũng thể hiện tài năng ngoại giao khi đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Hàn Quốc trong vấn đề “Comfort women – Thiếu nữ mua vui” (Nhật Bản từng chiêu mộ khoảng 50.000 thiếu nữ mua vui, trong đó có phụ nữ Hàn Quốc để giúp quân đội Nhật giải khuây). Lúc này, hai nước đã đi đến thống nhất rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ một quỹ cho những người phụ nữ từng là comfort women. Tuy nhiên, Kishida nhấn mạnh thêm, “Quỹ này không phải nhằm mục đích bồi thường”, Nhật Bản vẫn kiên định với quan điểm rằng các vấn đề liên quan đến thiếu nữ mua vui đã được giải quyết trong Hiệp ước năm 1965 về mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
7. Ông không đặc biệt nổi tiếng với công chúng
Trong các cuộc thăm dò dư luận khác nhau được thực hiện trước cuộc bầu cử Thủ tướng, đối thủ Taro Kono đã vượt mặt Kishida. Theo một khảo sát của tờ Mainichi, khi được hỏi ai mới là người phù hợp cho vị trí Thủ tướng, đã có 45% chọn Taro Kono và Kishida chỉ được 18% người ủng hộ. Khác với đối thủ Taro thường xuyên tương tác với những người theo dõi mình trên Twitter thì Kishida ít tương tác với công chúng trên mạng xã hội. Số lượng người theo dõi trang Twitter của Kishida chỉ vào khoảng 355.300, ít hơn rất nhiều so với 2,4 triệu lượt người theo dõi của ông Kono.
Đặc biệt, trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo Đảng LDP năm 2020, Kishida đã đăng một bức ảnh ông đang mặc vest nghiêm nghị ngồi ở bàn ăn và vợ ông đeo tạp dề đứng bên cạnh, trông giống như một người giúp việc đang phục vụ cho ông. Bức ảnh này đã bị dư luận chỉ trích dữ dội vì thể hiện tư tưởng lạc hậu, gây bất lợi cho việc tranh cử của ông, trong khi Kishida đang xây dựng hình ảnh đại diện cho các thành phần tiến bộ hơn trong đảng LDP.
8.Theo chủ nghĩa tự do ôn hòa
Mặc dù thiếu sự ủng hộ từ công chúng, Kishida, người theo chủ nghĩa tự do ôn hòa được các thành viên trong đảng LDP xem là lựa chọn an toàn hơn so với đối thủ Kono. Dù ông từng bị nhận xét là người thiếu thu hút hơn các nghị sĩ trẻ tuổi, theo trang Nikkei Asian Review, nhưng trong đảng LDP, từ lâu Kishida đã rất được coi trọng và từng được chọn làm người kế nhiệm Cựu Thủ tướng Abe trong quá khứ.
9. Đam mê bóng chày, Sake, món Okonomiyaki do vợ làm
Khi còn theo học tại Học viện Kaisei, Kishida đã tham gia vào câu lạc bộ bóng chày, luyện tập chăm chỉ với một cơ thể gầy gò và đôi lần cảm thấy kiệt sức ở sân tập. Nhưng ông đã hiểu rõ tầm quan trọng của tình đồng đội khi chơi bộ môn bóng chày. Kinh nghiệm này vẫn luôn đi cùng ông theo năm tháng và ngay cả bây giờ, với tư cách là một chính trị gia, ông rất xem trọng sức mạnh đồng đội.
Trong buổi phỏng vấn trên đài ABEMA TIMES, khi giới thiệu về bản thân, ông Kishida đã chia sẻ rằng: “Tôi dành tình yêu cho đội bóng chày Hiroshima Toyo Carp. Tôi yêu quê hương Hiroshima và cả rượu Sake. Ngoài ra, tôi cũng có một số sở thích khác nhưng không đam mê như bóng chày và Sake”. Khi còn là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Kishida từng uống Vodka và Sake với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cược xem ai có thể uống nhiều hơn trong khi vẫn tiếp tục bàn luận các vấn đề ngoại giao. Kishida được nhận xét sở hữu khả năng lắng nghe tốt từ những người bạn thời Đại học.
Sau chiến thắng trong cuộc đua trở thành Chủ tịch đảng LDP vào ngày 29/9, ngay tối hôm đó, ông Kishida đã đăng tải lên Twitter cá nhân món Okonomiyaki do chính vợ ông làm cùng lời chia sẻ: “Tôi rất thích món Okonomiyaki vợ tôi làm, nó bao giờ cũng ngon. Nhưng hôm nay, nó mang hương vị thơm ngon đặc biệt mà tôi sẽ không bao giờ quên”.
10. Là fan hâm mộ của bộ manga Demon Slayer (Thanh gươm diệt quỷ)
Gần đây, ông Kishida tiết lộ rằng mình là một fan của manga, đặc biệt là manga Demon Slayer, hay Thanh gươm diệt quỷ. Ông chia sẻ rằng mình chưa xem phim nhưng đã đọc hết toàn bộ truyện tranh. Nhân vật yêu thích của ông là Akaza, một con quỷ nắm giữ vị trí Thượng Huyền Tam của Thập Nhị Nguyệt Quỷ với thân hình cơ bắp đầy những đường vằn màu xanh dương chạy dọc cơ thể, mái tóc và lông mi màu hồng, làn da nhợt nhạt. Ông Kishida cũng cho biết “sẽ xúc tiến để tăng thu nhập cho những người đang làm việc trong các ngành công nghiệp quyền lực mềm như manga, anime và phim”.
Nguồn tham khảo: Tokyo Weekender, Kilala; Ảnh bìa: https://washingtonnewsday.com