Nhật Bản cũng từng có một thời gian dài dùng lịch âm của Trung Quốc. Theo Âm lịch, bốn mùa thay đổi theo tuần tự cứ ba tháng là một mùa. Từ tháng Một đến tháng Ba là mùa xuân, tháng Tư đến tháng Sáu là mùa hè. Mùa thu bắt đầu từ tháng Bảy kéo dài đến tháng Chín và ba tháng cuối năm thuộc về mùa đông. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách gọi và ý nghĩa của từng tháng theo cách gọi âm lịch nhé!

Tháng 1:睦月(むつき) – Mutsuki

Nhắc đến tháng một thì hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến sự kiện mừng năm mới đúng không nào? Đây thời điểm các thành viên trong gia đình cùng tề tựu, ôn lại những chuyện đã qua và cầu chúc một năm mới tốt đẹp. Tên gọi Mutsuki gợi nên hình ảnh bầu trời vào xuân trong xanh quang đãng, khởi đầu một năm tràn đầy niềm tin và hi vọng.

Tháng 2: 如月(きさらぎ) – Kisaragi

Có nhiều giả thuyết cho tên gọi của tháng hai. Phổ biến nhất là ý nghĩa mặc thêm Kimono bắt nguồn từ cụm từ 衣更着 – Kisaragi, tức là mặc thêm quần áo, bởi tháng hai là tháng lạnh nhất trong năm. Có người cho rằng, nguồn gốc tên Kisaragi là 気更来 tức rảnh rỗi, thong thả vì tháng hai là tháng… ăn chơi. Còn một cách giải thích khác: tháng hai rét cắt da nhưng rồi sẽ ấm trở lại, cây cối vươn mình cho những lộc non xanh biếc nên mới được gọi là 生更木, tức chỉ việc cây cối đâm chồi nảy lộc.

Tháng 3: 弥生(やよい) – Yayoi

Tháng ba tiết trời ấm áp, lá hoa đâm chồi nảy nhụy khoe sắc thắm muôn nơi. Đây cũng là thời điểm hoa anh đào nở rộ, dệt nên những tấm thảm hồng uốn lượn đến tận chân trời.

Tháng 4: 卯月(うづき) – Uzuki

Tháng tư mang tên loài hoa Utsugi – hoa thuộc họ Tú Cầu, cánh nhỏ màu trắng, mọc thành chùm. Thực tế, khoảng thời gian từ tháng năm đến tháng sáu, Utsugi mới nở hoa. Vì đâu lại có tên gọi này? Tháng tư trong Âm dương lịch trễ hơn so với Dương lịch đến một tháng nên mới vậy. Ngoài ra còn một cách lý giải khác. Chữ Mão (卯) chính là con thỏ, mà thỏ lại đứng thứ tư trong mười hai con giáp nên được lấy làm tên gọi tháng tư.

Tháng 5: 皐月(さつき) – Satsuki

Sở dĩ có tên gọi này vì tháng năm là thời điểm người nông dân bắt đầu vụ mùa mới. Chữ Cao (皐) nghĩa là “Hạt gạo dâng lên thần linh”, hàm ý nhắc nhở mọi người phải chăm chỉ làm việc thì mới có cái ăn. Chỉ là cái tên thôi nhưng đã nói lên được tầm quan trọng của nông nghiệp đối với người Nhật xưa.

Tháng 6: 水無月(みなづき) – Minazuki

Nhắc đến tháng sáu, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cơn mưa dai dẳng tưởng như không bao giờ dứt. Thế nhưng nếu dựa vào Hán Tự, tên tháng sáu lại là “tháng không có nước”. Thật ra, chữ Vô (無) trong tiếng Nhật cổ nghĩa là “của”, nên Minaduki còn có thể hiểu là “tháng của nước”. Tháng sáu là thời điểm người làm nông phải dẫn nước tưới tiêu ruộng vườn sau khi đã gieo hạt giống vào tháng năm nên mới có tên gọi như vậy.

Tháng 7: 文月(ふみづき) – Fumizuki

Tháng bảy có lễ hội được mong chờ nhất – Lễ thất tịch Tanabata mùng 7 tháng 7. Vào ngày này, những cành tre xanh mướt treo đầy ước nguyện tốt lành sẽ được dựng lên khắp nơi. Phải chăng chữ Văn trong Văn Nguyệt chính là điều ước được viết lên những tấm giấy nhỏ đủ màu? Người xưa có tục truyền, vào ngày Thất tịch nên cầu nguyện họa được chữ đẹp như rồng múa phượng bay.

Tháng 8: 葉月(はづき) – Hazuki

Sẽ không ít người nghĩ rằng, “Diệp Nguyệt” tượng trưng cho hình ảnh lá cây xanh rì dưới cái nắng chói chang của mùa hè. Thế nhưng, tiếp tục do sự chênh lệch về thời gian, tháng tám Âm Dương lịch lại là thời điểm mùa thu thay áo mới, lá vàng rụng lả lơi – một điều thường chỉ diễn ra vào đầu tháng chín Dương lịch.

Tháng 9: 長月(ながづき) – Nagazuki

Theo lịch cũ, tháng chín gần với thời điểm bắt đầu mùa đông, và là tháng có đêm dài hơn ngày, vì vậy nên được gọi là Trường Nguyệt (“Trường” nghĩa là dài). Trong tháng chín cũng diễn ra phong tục ngắm trăng (月見 – tsukimi) vào ngày Trung thu. Mặc dù thời gian bị lệch khá nhiều so với dương lịch, nhưng chỉ sai khác về thời điểm chuyển giao từ hạ sang thu, còn cảm nhận về ngày ngắn đêm dài từ xưa đến nay vẫn không thay đổi.

Tháng 10: 神無月(かんなづき) – Kannazuki

Sở dĩ có cách gọi như vậy là vì đây là khoảng thời gian mà tất cả các vị thần trên toàn Nhật Bản sẽ tụ họp về đền Izumo thuộc tỉnh Shimane để tham gia vào cuộc họp thường niên. Vì vậy mà ở các tỉnh thành khác ngoài Shimane sẽ thiếu vắng bóng dáng của các vị thần nên mới có tên gọi “Kannazuki”.

Tháng 11: 霜月(しもつき) – Shimotsuki

Chữ Sương (霜) ở đây chỉ sương mù. Trời vào đông rất lạnh, sáng sớm đã thấy sương giăng mắc khắp nơi. Người xưa đặt tên này cho tháng mười một có ý muốn nói cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông đang đến rất gần.

Tháng 12: 師走(しわす) – Shiwasu

Đây là tên gọi được biết đến rộng rãi nhất trong mười hai tên gọi các tháng theo Âm Dương lịch. Tháng mười hai là tháng bận rộn nhất trong năm, gia đình thì tổng vệ sinh nhà cửa, sửa soạn đón năm mới; công ty, cơ quan thì tổng kết sổ sách, vân vân… Tuy nhiên, chữ Sư (師) không chỉ là thầy giáo mà còn chỉ các nhà sư. Vào những ngày cuối năm, người Nhật thường mời các sư thầy đến nhà để tụng kinh nên đây là khoảng thời gian mà người ta hay bắt gặp các sư thầy chạy ngược chạy xuôi khắp nơi. Thông thường, những nhà tu hành luôn gắng giữ cho mình được điềm đạm hết mực, vậy mà cuối năm cũng tất bật chuyện nhà chùa. Tại những ngôi chùa lớn, các nhà sư phải cùng nhau luyện tập đánh 108 tiếng chuông trên chiếc khánh bằng đồng rất to để chuẩn bị cho đêm giao thừa.

Nguồn: Tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here