Thời tiết hanh khô và nhiệt độ thấp ảnh hưởng xấu tới thương mại nông nghiệp toàn cầu. Brazil buộc phải nhập khẩu đậu tương, còn Pháp thì nhập lúa mì. Hai nước này vốn nằm trong số các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc khiến tình trạng càng tệ hơn. Thị trường Trung Quốc đang ngày càng chuộng ngô và lúa mì, không chỉ để tiêu thụ trong gia đình mà còn để làm thức ăn cho gia súc, khiến nhu cầu lên mức cao chưa từng thấy. Một số nước xuất khẩu hàng đầu như Nga và Ukraine đã áp đặt hạn chế để duy trì nguồn cung cho nước mình. Tình hình này cũng thu hút các nhà đầu tư bơm tiền vào thị trường Trung Quốc với hy vọng nhanh chóng thu lời, khiến giá càng tăng hơn nữa.
Các chuyên gia dự báo giá các loại hạt làm lương thực sẽ tiếp tục ở mức cao, ít nhất là cho tới mùa hè. Tuy nhiên, với ngô và đậu tương, mức giá hiện nay có thể dự báo xu hướng dài hạn hơn. Cả 2 mặt hàng này đều quan trọng để sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính theo chính sách của chính phủ.
Ông Homma Takayuki, nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Toàn cầu Tập đoàn Sumitomo cho biết: “Nếu giá lương thực tăng, người tiêu dùng ở Nhật Bản có thể sẽ sớm phải đối mặt với việc có thêm mặt hàng tăng giá”.
Ông nói thêm rằng giá cao như vậy sẽ ảnh hưởng tới các hộ gia đình Nhật Bản vào thời điểm xấu nhất, khi mà Nhật Bản đang phải hứng chịu tác động kinh tế của đại dịch vi-rút corona. Trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 3, tăng trưởng theo năm của Nhật Bản ở mức âm 5%, và nhiều người dự báo kinh tế sẽ sớm chính thức rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, ông Homma cảnh báo rằng mặc dù người tiêu dùng Nhật Bản có bị ảnh hưởng, tác động của tăng giá còn lớn hơn đối với các nước đang phát triển phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Ông cho biết các nước Trung Đông có thể chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Ông nói: “Điều này có thể khiến xã hội hỗn loạn ở những nước vốn đã trong tình trạng bấp bênh do vi-rút corona”.
Nguồn: NHK World Japan;Featured image: https://lab-navi.azabu-u.ac.jp