Lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. Trải dài khắp Nhật Bản là hàng trăm lễ hội được tổ chức hằng năm và mỗi lễ hội lại mang một ý nghĩa đặc trưng riêng cho từng khu vực. Trong đó, có một số lễ hội không chỉ người Nhật mà cả người nước ngoài cũng biết đến. Sau đây là 5 lễ hội nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản, không chỉ hoành tráng về mặt quy mô mà còn mang đậm ý nghĩa tinh thần đối với đời sống tín ngưỡng của người dân.

1. Aomori – Lễ hội Aomori Nebuta

Aomori Nebuta là lễ hội tiêu biểu của vùng Tohoku/ Photo: https://www.gltjp.com

Lễ hội Aomori Nebuta được tổ chức tại thành phố Aomori, tỉnh Aomori từ ngày 02 – 07/08 và đón hơn 2 triệu khách du lịch đến thăm mỗi năm. Lễ hội này được công nhận là Tài sản Văn hóa dân gian phi vật thể quan trọng của quốc gia vào năm 1980 và được biết đến như một lễ hội tiêu biểu tô điểm cho mùa hè của vùng Tohoku.

Lễ hội Nebuta đã có từ thời xa xưa, nó được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau của miền đông Nhật Bản từ vùng Tohoku đến vùng phía bắc Kanto, đặc biệt phổ biến ở vùng Tsugaru. Lễ hội thường diễn ra vào buổi tối với điểm nhấn là những cỗ đèn lồng được người dân kéo đi diễu hành trên những con đường của thành phố Aomori. Các nhân vật xuất hiện trên lồng đèn thường dựa trên truyền thuyết, nhân vật lịch sử của Nhật Bản, kịch Kabuki, các vị thần và Đức Phật… Trong những năm gần đây, một số nhân vật được lấy cảm hứng từ truyền thuyết địa phương, các vĩ nhân và các chương trình truyền hình (đặc biệt là các bộ phim truyền hình NHK và Okawa).

2. Kyoto – Lễ hội Gion

Lễ hội Gion ở Kyoto là một trong ba lễ hội lớn ở Nhật Bản / Photo: https://sharing-kyoto.com

Lễ hội Gion ở Kyoto là một trong ba lễ hội lớn ở Nhật Bản, có nguồn gốc từ đền Yasaka. Đây cũng là một trong những lễ hội quy mô lớn kéo dài nhiều ngày (từ ngày 1 – 31/07 hàng năm). Vì trong suốt khoảng thời gian diễn ra lễ hội sẽ có nhiều hoạt động thú vị được tổ chức nên bạn cần lên kế hoạch kỹ càng khi đến Kyoto để không bỏ lỡ các hoạt động.

Một trong những hoạt động văn hóa độc đáo của Lễ hội Gion chính là lễ diễu hành Yamaboko Yunko được tổ chức vào ngày 17/07. Trong lễ diễu hành này, “nhân vật chính” là hai chiếc kiệu Hoko và Yama. Với cách lắp ráp, trang trí bằng nhiều món đồ thủ công tinh xảo cùng nhiều đồ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản, chiếc kiệu như một tác phẩm văn hóa đặc sắc được người dân bảo vệ và lưu giữ đến ngày nay.

Lễ hội Gion ở Kyoto đã trở thành một lễ hội cực quan trọng của người Nhật Bản. Ý nghĩa của lễ hội là cầu xin thần linh để tránh thiên tai và bệnh dịch. Cho đến ngày nay thì ý nghĩa này vẫn được giữ nguyên và không thay đổi.

3. Hokkaido – Lễ hội tuyết Sapporo

Lễ hội tuyết thu hút đông đảo khách du lịch lẫn người dân bản địa/ Photo: https://www.sapporo.travel

Lễ hội tuyết Sapporo được tổ chức vào đầu tháng 2 hàng năm, trưng bày các tác phẩm điêu khắc bằng tuyết và băng. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1950, lấy ý tưởng từ một sự kiện của trường tiểu học Kitatemiya Hirotugu ở thành phố Otaru vào tháng 2 năm 1935.  Đây là một trong những sự kiện lớn nhất ở Hokkaido, thu hút được khoảng 2 triệu khách du lịch mỗi năm. Lễ hội này ngày càng nổi tiếng và được nhiều người biết đến, trở thành một trong ba lễ hội tuyết lớn nhất trên thế giới.

Và không thể thiếu những công trình nghệ thuật đồ sộ / Photo: https://alljapantours.com

Công tác chuẩn bị cho một bức tượng tuyết thường được bắt đầu từ mùa thu năm trước. Tuyết được sử dụng yêu cầu phải có màu trắng tinh khiết, không lẫn tạp chất. Để làm một bức tượng tuyết phải mất gần một tháng, nó sẽ được bàn giao cho ban tổ chức một ngày trước khi khai mạc lễ hội.

4. Tokushima – Lễ hội Awa Odori

Awa Odori là điệu nhảy bắt nguồn từ Awakuni / Photo: http://japanculturereview.japan-shops.com

Awa Odori là điệu nhảy bắt nguồn từ Awakuni (hiện là tỉnh Tokushima), là một trong ba lễ hội lớn của vùng Shikoku.  Awa Odori là nghệ thuật biểu diễn truyền thống với lịch sử khoảng 400 năm. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc ra đời của điệu múa này. Trong đó được nhiều người biết đến nhất là câu chuyện vào năm 1589, khi lãnh chúa Hachisuka Iemasa muốn kỷ niệm ngày khánh thành lâu đài Tokushima nên đã cho phép người dân trong thành tự do ăn uống, nhảy múa hát ca, bỏ qua mọi nghi lễ. Vũ điệu Awa Odori được cho là ra đời từ đó.

Hiện tại, lễ hội Awa Odori được tổ chức với quy mô lớn ở Tokyo và nhiều nơi khác / Photo: http://japanculturereview.japan-shops.com

Hiện tại, lễ hội Awa Odori được tổ chức với quy mô lớn ở Tokyo và nhiều nơi khác ngoài Tokushima. Lễ hội Awa Odori ở Tokushima thường được tổ chức vào giữa tháng 8 hàng năm. Nhiều nơi khác tổ chức nhảy múa điệu Awa Odori trong suốt tháng 8 và xem nó như một sự kiện mùa hè. Lễ hội Awa Odori ở Tokushima có số lượng vũ công tham gia và số lượng khán giả đến xem đông nhất cả nước.

5. Lễ hội Yosakoi

Các vũ công Yosakoi tràn đầy năng lượng/ Photo: https://ohmatsuri.com

Lễ hội Yosakoi được tổ chức ở tỉnh Kochi từ ngày 9 – 12/08 hàng năm. Đây cũng là một trong ba lễ hội lớn ở Shikoku, thu hút khoảng 1 triệu người tham quan trong bốn ngày. Lễ hội diễn ra tại 9 nhà thi đấu và 7 nhà biểu diễn trong thành phố Kochi với 200 đội tham gia biểu diễn (khoảng 20.000 người). Lễ hội này ra đời nhằm cầu nguyện cho người dân nhiều sức khỏe và phục hồi kinh tế sau chiến tranh.

Lễ hội Yosakoi trên nền pháo hoa ở Kochi năm 2018 / Photo: https://www.facebook.com/Yosakoi-KOCHI-JAPAN

Vì là lễ hội mang tính chất nhảy múa, vui vẻ nên âm nhạc là một phần không thể thiếu. Nhà soạn nhạc Eisaku Takemasa là người đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của lễ hội này. Ông không chỉ sáng tác bài “Yosakoi Naruko Odori” dùng để nhảy múa mà còn nảy ra ý tưởng cầm Naruko (một loại nông cụ dùng để xua đuổi các loài chim, bảo vệ mùa màng ngày xưa) để tạo ra âm thanh khiến cho điệu nhảy thêm phần sôi động. Điệu nhảy Yosakoi ban đầu khá “thuần Nhật” nhưng vì ông Takemasa đã cho phép sắp xếp các bài hát thứ tự tự do nên sau đó đã có nhiều biến thể khác nhau. Ngày nay, nhiều đội biểu diễn với nhiều phong cách mới như samba, rock, hip hop, hòa tấu, flamenco, vũ điệu hula… kết hợp vũ đạo công phu, trang phục lộng lẫy gây ấn tượng mạnh đến người xem.

Cùng với đó, lễ hội Yosakoi đã có một bước chuyển mình lớn trong những năm gần đây. Vũ đạo của bài nhảy rất phức tạp và khó nhớ. Bất cứ ai cũng có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi hay giới tính (bao gồm cả cơ hội để khán giả nhảy vào và trải nghiệm).

Tham khảo: kilala.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here