Tỉnh Aichi nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng và phong phú được gọi là Nagoya Meshi, trong đó, tương đỏ Hatcho Miso làm hoàn toàn từ đậu nành được xem như “trái tim” của Nagoya Meshi. Gần đây, một nhà sản xuất tương Miso lâu năm tại tỉnh Aichi đã gây ấn tượng mạnh với ý tưởng chế biến Miso và nước tương (醤油 – Shoyu) từ dế, làm đa dạng thêm nền ẩm thực nơi đây.

nuoc-tuong-lam-tu-de-tinh-aichi
Nước tương từ dế Koorogi Shoyu tại tỉnh Aichi. Ảnh: japantoday

Được thành lập vào năm 1928, nhà sản xuất tương Miso – Noda Miso Shoten tại tỉnh Aichi nổi tiếng với việc sản xuất Miso bằng bồn gỗ truyền thống với sản lượng đến 2.000 tấn/năm. Không dừng lại ở đó, Noda Miso Shoten đã bắt đầu lên kế hoạch sản xuất Miso từ dế và châu chấu vào năm 2017. Để làm ra 100ml nước tương này cần dùng đến 480 con dế và có giá đắt hơn nước tương làm từ đậu nành 10 đến 20 lần.

Ý tưởng này xuất phát từ thắc mắc của một học viên trong lớp học dạy làm Miso của chủ tịch đời thứ 4 Noda Yoshinari, 36 tuổi. Cách đây 6 năm, Noda đã mở các lớp dạy làm Miso và nhận được câu hỏi từ một học viên rằng liệu có thể tạo ra Miso từ côn trùng. Là một người đam mê du lịch và cũng đã thử nhiều loại côn trùng ở nước ngoài, anh nhận thấy chúng rất giàu protein, giống với đậu nành – nguyên liệu chính của Hatcho Miso. Việc ăn côn trùng được xem như một giải pháp cho tình trạng thiếu lương thực ở một số nơi trên thế giới. Vì vậy, anh bắt đầu nghiên cứu sản xuất Miso từ dế và châu chấu từ năm 2017.

de-lam-shoyu-tinh-aichi
Loại dế có hương vị tinh tế được chọn làm Koorogi Shoyu. Ảnh: PR Times

Năm 2019, Noda đã giới thiệu tương Miso từ côn trùng tại một sự kiện dành cho các doanh nhân trẻ. Tại đây, anh đã gặp người của nhà hàng Antcicada tại quận Chuo, Tokyo nổi tiếng với món ramen dế. Trước đó, nhà hàng này cũng đã tính đến việc tạo ra nước tương từ dế nên họ đã đề nghị hợp tác cùng Noda trong việc nghiên cứu và sản xuất loại nước tương mới.

nghien-de-lam-shoyu
Dế được nghiền nhỏ để chuẩn bị làm nước tương. Ảnh: PR Times

Để làm ra một chai Koorogi Shoyu 100ml cần 480 con dế và giá đã bao gồm thuế của sản phẩm là 1.640 yên (340.000 VND), cao gấp 10 đến 20 lần so với nước tương làm từ đậu nành. Tuy nhiên, nếu việc tiêu thụ côn trùng tăng dẫn đến sản lượng dế tăng theo, giá thành sản phẩm này có thể được hạ xuống.

Noda Yoshinari chia sẻ: “Việc sử dụng đậu nành làm Miso giúp tôi nhận ra đậu nành là nguyên liệu tuyệt vời cân bằng giữa hàm lượng protein và chất béo. Nhưng bây giờ, khi đã sử dụng dế để sản xuất Miso và Shoyu, tôi có thể linh hoạt thử nghiệm nhiều nguyên liệu khác ngoài đậu nành”.

nuoc-tuong-de-aichi
Dế sau khi được nghiền sẽ trộn với men gạo và nước muối . Ảnh: asahi

Sản phẩm Koorogi Shoyu làm từ dế có vị mặn và thơm nồng. Dế được sử dụng là loại mang lại hương vị tinh tế, nhẹ nhàng, được cung cấp bởi công ty Gurirasu Co., Ltd. tại tỉnh Tokushima và Taiyo Green Energy Co., Ltd. ở tỉnh Saitama. Dế được nghiền thành bột, xử lý bằng men Koji và muối trong những thùng gỗ tại Noda Miso Shoten, hoàn toàn không sử dụng đậu nành trong quá trình sản xuất để tạo nên dòng nước tương khác biệt. Theo Noda, chúng có hương vị hao hao với nước mắm Thái Lan nam pla và các loại nước mắm khác.

Yuta Shinohara, 26 tuổi là quản lý của nhà hàng Antcicada giải thích thêm về cách sử dụng Koorogi Shoyu: “Nước tương này sẽ phù hợp khi dùng chung với Sashimi các loại cá thịt trắng và các món khác mà không làm mất đi hương vị nhẹ, tinh tế của nước tương. Nó cũng thích hợp khi dùng chung với món cơm nắm nướng hay bánh Dango rưới nước tương”.

Sau khi ra mắt thành công vào năm 2020, nước tương Koorogi Shoyu tiếp tục được sản xuất thêm ở đợt hai với khoảng 400 chai trong năm nay. Bạn có thể tham khảo thêm về sản phẩm tại website Antcicada.

Nguồn tham khảo: kilala.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here