Sau khi cắn miếng Tempura vàng thơm giòn tan nóng hôi hổi vừa chiên xong, bạn chỉ muốn uống ngay một ngụm nước đá mát rượi để giải nhiệt. Đó là điều tưởng chừng hết sức bình thường. Tuy nhiên, Tempura và nước đá, cặp đôi thoạt nhìn có vẻ vô hại này lại là một sự kết hợp không tốt cho sức khỏe. Để biết lý do, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về quy tắc “hợp cạ” trong ăn uống gọi là “Tabeawase (食べ合わせ)” và vài kết hợp “chẳng lành” khác trong ẩm thực của người Nhật nhé.
Người Nhật dùng từ Tabeawase (食べ合わせ) để chỉ sự kết hợp của các loại nguyên liệu nấu nướng. Có những món được khen là có “Tabeawase tốt”, nhưng cũng có những món không nên ăn chung với nhau vì gây ra tác động tiêu cực cho cơ thể của con người. Trở lại với bộ đôi Tempura – nước đá, vốn là một món chiên nên khi lượng dầu trong Tempura kết hợp với nước đá sẽ tạo ra gánh nặng cho dạ dày, gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu. Với lý do tương tự, Tempura cũng không nên kết đôi cùng dưa hấu hoặc các loại trái cây nhiều nước khác.
Những thực phẩm kỵ nhau trong ẩm thực Nhật Bản
Lươn và mơ muối
Cơm lươn Unadon (鰻丼) được coi là món ăn đại diện cho mùa hè Nhật Bản. Thật đáng tiếc nếu bạn chưa được thưởng thức món lươn nướng đậm sốt ngon tuyệt vô cùng đưa cơm này. Mơ muối Umeboshi (梅干し) lại thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn của người Nhật như một món ăn kèm hay làm nhân cơm nắm. Tuy nhiên, lượng đạm và chất béo cao trong thịt lươn khi kết hợp với axit của mơ muối sẽ gây kích thích không tốt cho đường tiêu hóa.Kết hợp lươn và mơ muối Umeboshi không tốt cho tiêu hóa.
Cua và trái hồng
Theo Đông Y, cua rất bổ dưỡng, có tác dụng giải nhiệt, thông kinh mạch, rất tốt cho xương khớp. Hồng cũng được coi là thực phẩm mang tính hàn, chứa nhiều vitamin, tốt cho người bệnh tim, người cao huyết áp. Thế nhưng, hàn tính trong cua và hồng khi cộng hưởng với nhau sẽ làm cơ thể bị lạnh. Sự kết hợp giữa cua và hồng còn bị cho là nguyên nhân gây nên cái chết của Hoàng đế Cảnh Tông nước Triều Tiên xưa. Hàn tính của cua và hồng sẽ khiến cơ thể bị lạnh.
Trà và thực phẩm chứa sắt
Trà là loại đồ uống phổ biến trong bữa ăn ở cả Nhật Bản lẫn Việt Nam. Trà được cho là có khả năng ngăn oxy hóa, tăng cường tuổi thọ, chống lão hóa. Có điều, trà sẽ mất đi khả năng này nếu chúng ta uống trà với thực phẩm chứa nhiều chất sắt như thịt đỏ, rau màu xanh đậm (cải xoăn, rau chân vịt…). Cụ thể, hợp chất epigallocatechin gallate (EGCG) trong trà khi liên kết với chất sắt trong các thực phẩm này sẽ gây mất khả năng ức chế enzym myeloperoxidase. Trà vì thế không còn năng lực chống oxy hóa. Nếu bạn bị thiếu máu và đang ăn nhiều thực phẩm chứa sắt thì không nên uống trà sau bữa ăn. Trà có chức năng chống oxi hóa nhưng khi kết hợp vớt thực phẩm chứa sắt sẽ mất khả năng này.
Lòng trắng trứng sống và thực phẩm chứa biotin
Biotin hay còn gọi là vitamin B7 giúp làm đẹp da, móng, tóc và có khả năng làm ổn định đường huyết. Biotin thường có trong cà rốt, hạnh nhân, đậu nành,… Tuy nhiên, khi kết hợp với avidin – một loại protein có trong lòng trắng trứng sống – sẽ ngăn chặn sự hấp thụ biotin của cơ thể. Lòng trắng trứng sống sẽ ngăn khả năng hấp thụ protein.
Những kết hợp có lợi cho sức khỏe
Sashimi với lá tía tô, wasabi, củ cải
Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao Sashimi hay được phục vụ cùng lá tía tô, mù tạt nghiền và củ cải trắng thái sợi? Tất cả đều có lý do. Nguyên liệu chính của Sashimi là hải sản tươi sống. Tuy tươi ngon nhưng hải sản sống có tính hàn, dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây ngộ độc. Để khắc chế điều này, người Nhật thường ăn kèm Sashimi với lá tía tô, wasabi và củ cải bào. Cả tía tô, mù tạt và củ cải đều mang khả năng “trừ hàn, tiêu độc” hiệu quả, đồng thời còn giúp khử mùi tanh. Thường một phần Sashimi cũng sẽ có phục vụ kèm theo củ cải bào, lá tía tô và wasabi.
Dưa muối với đậu phụ, cà chua, dưa hấu
Giống người Việt Nam hay Hàn Quốc, người Nhật cũng chế biến được nhiều món dưa muối ngon tuyệt. Thế nhưng, cái tên “dưa muối” đã nói lên rằng chúng chứa rất nhiều muối mà khẩu phần ăn nhiều muối về lâu dài dễ gây cao huyết áp. Vì vậy, bạn nên ăn kèm dưa muối với các thực phẩm chứa Kali như đậu phụ, cà chua, dưa hấu hay táo. Kali trong các thực phẩm này sẽ giúp loại bỏ phần nào muối ra khỏi cơ thể. Thành phần Kali trong đậu hủ giúp loại bỏ bớt thành phần muốn trong dưa muối.
Cải bó xôi và mè
Cải bó xôi, còn gọi là rau chân vịt thường xuất hiện trong các món salad. Loại rau này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như sắt, Omega 3, vitamin A, C, K.v.v… giúp bổ máu, sáng mắt, chắc xương. Tuy thế, trong cải bó xôi lại có axit oxalic – một chất tạo sỏi ở gan, mật, thận. Với “vũ khí” lysine, mè sẽ là vị cứu tinh trừ bỏ axit oxalic trong cải bó xôi. Thế nên, bạn đừng quên rắc mè hoặc trộn dầu mè khi làm salad cải bó xôi nhé!