Chính phủ xem xét phê duyệt vắc-xin Moderna và AstraZeneca
Ban chuyên gia của Bộ y tế Nhật Bản sẽ xem xét phê duyệt hai loại vắc-xin nữa. Đó là vắc-xin Moderna của Mỹ sản xuất và vắc-xin AstraZeneca do công ty dược AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh bào chế.
Các nguồn tin cho biết Bộ y tế đã sẵn sàng phê duyệt cả hai loại vắc-xin này. Cả hai loại hiện đang được sử dụng ở nước ngoài. Các thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản đã cho thấy có sự gia tăng các kháng thể trung hòa, ngăn chặn được vi-rút.
Bộ y tế có khả năng sẽ phê duyệt sử dụng cả 2 loại vắc-xin này cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, sau đó bộ có thể đặt ra giới hạn độ tuổi được khuyến nghị sử dụng vắc-xin AstraZeneca do có nguy cơ hiếm gặp là hình thành cục máu đông mà cơ quan quản lý của EU đã cảnh báo. Cơ quan này cũng công bố dữ liệu cho thấy những người trẻ tuổi có nhiều khả năng gặp tình trạng này hơn.
So sánh vắc-xin của Pfizer và Moderna
Chính phủ Nhật Bản ký hợp đồng mua vắc-xin của các công ty dược Pfizer và Moderna của Mỹ, cũng như công ty AstraZeneca của Anh.
Trong đó, vắc-xin của các công ty Pfizer-BioNTech và vắc-xin của Moderna là vắc-xin chứa mRNA, một loại vật chất di truyền. Do đó, chúng được gọi là vắc-xin “messengerRNA”, hoặc ngắn gọn là “mRNA”.
Chúng ta cùng tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt giữa 2 loại vắc-xin trên, dựa theo thông tin do Bộ Y tế Nhật Bản và Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch Bệnh của Mỹ (CDC) cung cấp, cũng như thông tin từ các công ty dược phẩm.
Cả 2 loại vắc-xin nói trên đều là vắc-xin tiêm bắp, tức là tiêm vào vùng cơ bên trong lớp mỡ dưới da. Mũi kim sẽ được tiêm vuông góc với cánh tay ở vùng bắp tay gần vai.
Tại Nhật Bản, các loại vắc-xin, chẳng hạn như vắc-xin cúm thông thường, thường được tiêm dưới da, hay phần giữa lớp da và cơ. Tuy nhiên, tiêm bắp được cho là giúp vắc-xin được hấp thu nhanh hơn so với tiêm dưới da.
Vắc-xin của hãng Pfizer gồm 2 liều. Liều thứ hai thường được tiêm sau liều thứ nhất 3 tuần.
Vắc-xin của hãng Moderna cũng gồm 2 liều, nhưng liều thứ hai thường được tiêm sau liều thứ nhất 4 tuần.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/5/2021).
Nguồn tin: NHK World Japan; Featured image: https://www.straitstimes.com