Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 sẽ được khai mạc vào lúc 20h00 ngày 23/7/2021. Lễ khai mạc sẽ kéo dài 3 giờ 30 phút, dài hơn dự kiến ban đầu 30 phút để các VĐV có thời gian giãn cách.
Lịch sử lễ khai mạc Olympic
Lễ khai mạc là một phần không thể thiếu của mọi kỳ Olympic kể từ khi Thế vận hội hiện đại đầu tiên được tổ chức tại Athens vào năm 1896. Buổi lễ đại diện cho sự bắt đầu chính thức của một kỳ Olympic và tạo cơ hội cho nước chủ nhà thể hiện bản sắc dân tộc của họ với thế giới.
“Các nghi thức cùng sự lộng lẫy của mỗi lễ khai mạc Olympic, đi đôi với việc kỷ niệm Thế vận hội như mọi người đều biết ngày nay, làm cho sự kiện này trở nên độc đáo và khó quên hơn”, Hiến chương Olympic viết.
Hiến chương Olympic cũng viết thêm rằng lễ khai mạc Olympic ngày càng khác xa với những gì đã diễn ra ở Athens hơn 120 năm trước. Theo đó, một số nghi thức mới tại lễ khai mạc Olympic chỉ dần được thiết lập theo thời gian.
Thêm vào đó, với việc mỗi kỳ Olympic ngày càng đạt được nhiều thành công, lễ khai mạc đã trở thành một sự kiện lớn và hoành tráng hơn, thu hút hàng chục triệu người xem trên toàn thế giới.
Thời gian tổ chức
Thế vận hội mùa hè Olympic 2020 sẽ được khai mạc vào lúc 20h00 ngày 23/7/2021. Lễ khai mạc sẽ kéo dài 3 giờ 30 phút, dài hơn dự kiến ban đầu 30 phút để các VĐV có thời gian giãn cách vật lý.
Ở lễ khai mạc, BTC đề nghị các đoàn thể thao chỉ cử 50-60% thành viên tham dự để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu có. Đoàn thể thao Việt Nam có 24/43 người tham dự bao gồm 18 VĐV và 6 cán bộ.
Ông Toshiro Muto, Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020, để ngỏ khả năng Thế vận hội bị hoãn hoặc hủy. Tuy nhiên, cho đến lúc này, điều đó vẫn khó xảy ra.
Đài Truyền hình Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với đối tác về bản quyền phát sóng Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 trên các kênh truyền hình miễn phí của VTV. Dự kiến, VTV6 sẽ phát trực tiếp cả lễ khai mạc và bế mạc của Olympic 2020.
Địa điểm tổ chức
Lễ khai mạc Olympic 2020 tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Mới ở quận Shinjuku của Tokyo. Đây là khu phức hợp ba tầng trị giá 1,5 tỷ USD, từng sử dụng tại Olympic 1964 và được trùng tu lại bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Bản Kengo Kuma có sức chứa dự kiến 68.000 chỗ trong Olympic 2020. Trong khi đó, sức chứa tại Paralympic 2020 sẽ được giảm xuống còn 58.000 chỗ để dành thêm suất cho người khuyết tật.
Sân có thiết kế dạng lưới bằng gỗ gợi lên phong cách truyền thống thường thấy trong các đền thờ và chùa tại Nhật Bản. Phần mái được hoàn thiện bằng gỗ và thép kết hợp – một phần có nguồn gốc từ cây thông tùng và cây tuyết tùng được trồng ở Nhật Bản để cho phép không khí nóng thoát ra ngoài.
Thêm vào đó, Sân vận động Quốc gia Mới được thiết kế để hòa hợp với khu công viên xung quanh và nhấn mạnh việc “khôi phục lại mối liên kết mà Tokyo đã mất với thiên nhiên”.
Tuy nhiên do Olympic 2020 diễn ra khép kín, một nhóm khoảng 10.000 nhà ngoại giao và nguyên thủ quốc gia, những nhà tài trợ Olympic và thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế sẽ là những khán giả duy nhất tham dự lễ khai mạc.
Câu chuyện về ghế đạo diễn
Lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2020 đã tiêu tốn của nước chủ nhà Nhật Bản một số tiền đáng kể từ khi sự kiện chính thức bị hoãn vào tháng 3/2020.
Ban đầu, Mansai Nomura – một diễn viên nổi tiếng tại Nhật Bản được chỉ định là giám đốc sáng tạo của lễ khai mạc và bế mạc cho cả Olympic và Paralympic 2020. Tuy nhiên, sau khi Olympic 2020 bị hoãn, Nomura từ chức và lui về làm trợ lý cho Hiroshi Sasaki – cựu GĐĐH của Dentsu, công ty quảng cáo và quan hệ công chúng quyền lực nhất tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2021, ông Sasaki đã quyết định từ chức sau khi có những phát biểu “không phù hợp” nhằm vào nữ danh hài nổi tiếng Naomi Watanabe.
Chưa hết, khi chỉ còn cách đêm khai mạc một ngày, Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã quyết định sa thải đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc mới nhất Kentaro Kobayashi vì những lời đùa cợt nhạy cảm liên quan đến người Do Thái.
Nguyên do là một đoạn băng (được quay vào năm 1998) lưu truyền trên mạng internet. Trong đó, cặp đôi hài kịch Rahmens, bao gồm Kentaro Kobayashi và Jin Katagiri đã đùa cợt về “trại tập trung” trong show hài của mình.
Hiện giám đốc sáng tạo người Italy Marco Balich đang là nhà sản xuất điều hành của các buổi lễ ở Tokyo, hợp tác với công ty quảng cáo Dentsu. Balich là một nhân vật giàu kinh nghiệm và từng tổ chức các buổi lễ tại Olympic 2006, 2014 và 2016.
Ông Balich cũng tiết lộ thêm đại dịch Covid-19 bằng cách nào đó sẽ xuất hiện trong lễ khai mạc của Olympic 2020: “Tôi nghĩ buổi lễ khai mạc Olympic, cửa sổ của toàn nhân loại, sẽ phải phản ánh những sự kiện lớn đã xảy ra”.
Khách mời đặc biệt
Dự kiến các nhà lãnh đạo đến từ 15 quốc gia trên thế giới và tổ chức quốc tế sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. Với việc nước Pháp sẽ đăng cai kỳ Olympic tiếp theo tại Paris vào năm 2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần như chắc chắn có mặt trong dàn VIP gồm Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene, Đệ Nhất Phu nhân Mỹ Jill Biden…
Trong khi đó, Cục Hoàng gia Nhật Bản cũng cho biết Nhật Hoàng Naruhito sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo. Tuy nhiên, sẽ không có bất kỳ thành viên nào khác trong hoàng gia tháp tùng Nhật Hoàng. Với tư cách là người điều hành danh dự của Olympic và Paralympic Tokyo, Nhật Hoàng sẽ tuyên bố mở màn Olympic trong lễ khai mạc.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là Nhật hoàng thứ ba tuyên bố khai mạc Olympic, sau Nhật hoàng Akihito tại Olympic mùa Đông Nagano 1998 và Nhật hoàng Hirohito khai mạc Olympic mùa Hè Tokyo 1964 và Olympic mùa Đông Sapporo 1972.
Theo: Trí thức trẻ