Dưới đây là thông tin được đăng tải trên trang NHK World Japan về các di chứng đối với những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19.

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khoẻ Toàn cầu cùng với các bên khác tiến hành khảo sát đối với những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 từ tháng 2/2020. Có 457 người trong độ tuổi từ 20 đến 70 đã trả lời khảo sát.

Kết quả cho thấy trong số này, số người cho biết vẫn còn thấy một số triệu chứng sau 6 tháng tính từ khi được chẩn đoán nhiễm vi-rút chiếm 26,3% và sau 12 tháng là 8,8%. Chúng ta hãy cùng xem xét dữ liệu đối với mỗi loại triệu chứng.

Các di chứng thường gặp đối với những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19

1. Có vấn đề về khứu giác
Trong số những người trả lời, số người vẫn gặp phải vấn đề về khứu giác sau khoảng 100 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng nhiễm vi-rút là hơn 10%, sau 6 tháng là 7,7%, sau 200 ngày là 5% và sau 1 năm là 1,1%.

2. Có vấn đề về vị giác
Số người cho biết vẫn gặp phải vấn đề về vị giác sau khi có triệu chứng khoảng 100 ngày là khoảng 5%, sau 6 tháng là 3,5% và sau 1 năm là 0,4%.

3. Mệt mỏi
Số người cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi có triệu chứng chiếm khoảng 50%, sau 100 ngày là 10%, sau 6 tháng là 6,6% và sau 1 năm là 3,1%.

4. Khó thở
Trong số những người trả lời, số người bị khó thở trong vòng 1 tháng sau khi có triệu chứng nhiễm vi-rút là khoảng 20%, sau 100 ngày là khoảng 5%, sau 6 tháng là 3,9% và sau 1 năm là 1,5%.

5. Rụng tóc
Hầu như không có ai bị rụng tóc ngay sau khi nhiễm vi-rút. Số người bị rụng tóc sau một vài tháng là khoảng 10%, sau 100 ngày là 8%, sau 6 tháng chiếm 3,1% và sau 1 năm là 0,4%.

6. Hay quên và các vấn đề khác
Trong số những người mắc chứng hay quên sau khi nhiễm vi-rút, số người có triệu chứng này sau 6 tháng là 11,4% và sau 1 năm là 5,5%.

Đối với những người mắc chứng giảm khả năng tập trung, sau 6 tháng là 9,8% và sau 1 năm là 4,8%.

Một số người gặp phải tình trạng trầm cảm sau khi nhiễm vi-rút, sau 6 tháng là 8,1% và sau 1 năm là 3,3%.

Ảnh hưởng của thuốc điều trị và so sánh di chứng giữa nam giới và nữ giới 

Các nghiên cứu viên đã hỏi về việc liệu các biện pháp điều trị triệu chứng COVID-19, như thuốc kháng vi-rút hoặc steroid, có ảnh hưởng đến di chứng hậu COVID hay không. Họ không phát hiện mối tương quan rõ ràng nào giữa hai yếu tố này. Các nghiên cứu viên khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc-xin và tiến hành các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vì nếu không bị nhiễm vi-rút thì cũng sẽ không có di chứng.

Khảo sát cũng cho thấy có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới về các di chứng hậu COVID-19.

Dữ liệu cho thấy so với nam giới, nữ giới có khả năng gặp vấn đề về khứu giác cao gấp khoảng 1,9 lần, và có khả năng gặp vấn đề về vị giác cao gấp khoảng 1,6 lần. Khả năng nữ giới có di chứng mệt mỏi và rụng tóc đều cao hơn lần lượt là khoảng 2 lần và 3 lần so với nam giới.

Khảo sát cũng cho thấy người càng trẻ và càng gầy thì sẽ càng có khả năng gặp vấn đề về khứu giác và vị giác hơn. Những người này cũng sẽ có khả năng cao gặp di chứng hậu COVID hơn ngay cả khi chỉ có triệu chứng nhẹ.

Phòng ngừa di chứng bằng cách tiêm chủng vắc-xin?

Ông Morioka Shinichiro, một trong những nghiên cứu viên của trung tâm tiến hành khảo sát, cho biết nữ giới được cho là có khả năng bị di chứng cao hơn. Kết quả khảo sát cho thấy nữ giới đúng là có khả năng bị di chứng rụng tóc, mệt mỏi và các vấn đề về vị giác và khứu giác cao hơn. So sánh với giai đoạn nhiễm bệnh thì nam giới cao tuổi thừa cân là nhóm có khả năng chuyển nặng cao hơn khi nhiễm vi-rút. Ông Morioka cho biết vẫn chưa rõ tại sao nữ giới lại là nhóm ghi nhận nhiều hơn các trường hợp mắc di chứng như vấn đề khứu giác và vị giác.

Ông cũng nói thêm rằng ngay cả nữ giới trẻ và gầy cũng không nên coi nhẹ các di chứng hậu COVID. Trên thực tế, họ nên coi trọng vấn đề này do kết quả khảo sát cho thấy đây là nhóm có khả năng cao hơn gặp vấn đề về khứu giác hoặc vị giác. Ông Morioka cho biết các vấn đề này thường phổ biến hơn ở nhóm người trẻ. Di chứng hậu COVID là vấn đề lớn đối với cả những người trẻ và những người chỉ có triệu chứng nhẹ.

Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy là trong số những người nhiễm vi-rút thì so với những người chưa được tiêm vắc-xin, những người đã tiêm đủ 2 mũi ít gặp triệu chứng quá 28 ngày. Điều này có nghĩa là vắc-xin có khả năng ngăn ngừa di chứng, nên việc người trẻ tiêm 2 mũi vắc-xin là rất quan trọng. Thêm vào đó, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản kể cả sau khi đã tiêm đủ 2 mũi là rất quan trọng, do vẫn có nguy cơ nhiễm vi-rút và gặp di chứng.

Nguồn: NHK World Japan – Thông tin được cập nhật đến ngày 29/10/2021; Ảnh bìa: https://at-home-doc.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here