Thiên hoàng Naruhito là Nhật hoàng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến 2, cũng là Nhật hoàng đầu tiên tốt nghiệp một trường đại học cũng như đi du học ở nước ngoài trong thời gian dài.

Nhật hoàng Naruhito: Vị hoàng đế ‘hiện đại’ đầu tiên của Nhật Bản

Nhật hoàng Naruhito đăng quang

Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito đã được tổ chức trang trọng tại Hoàng cung Nhật Bản với sự tham dự của gần 2.000 quan khách trong và ngoài nước.

Trong số các quan khách nước ngoài có mặt tại lễ đăng quang (Sokuirei Seiden no gi) của Nhật hoàng Naruhito có người đứng đầu Hoàng gia, nguyên thủ, lãnh đạo và quan chức cao cấp đến từ hơn 190 quốc gia và đại diện của nhiều tổ chức quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự buổi lễ này.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau khi lên ngôi, tại Tokyo ngày 4/5/2019.

 

Tại buổi lễ chính, Nhật hoàng đã tuyên bố lên ngôi và ngồi trên ngai vàng Hoa cúc Takamikura, cao 6,5 mét và nặng khoảng 8 tấn, với thanh kiếm cổ và viên ngọc thiêng đặt bên cạnh.

Nhật hoàng cũng được trao chiếc gương Yata-no-Kagami, được lưu giữ tại đền thờ Ise Jinguu, địa điểm linh thiêng nhất trong tôn giáo Nhật Bản. Ba báu vật đại diện cho sự vương giả và tượng trưng cho tính hợp pháp của hoàng đế. Hoàng hậu Masako cũng tham dự buổi lễ, mặc áo choàng truyền thống và có ngai vàng của riêng mình.

Sau đó, tân Nhật hoàng chủ trì một buổi tiệc trà với các khách mời hoàng gia, trong khi Thủ tướng Abe chủ trì buổi dạ tiệc chúc mừng với sự tham dự của khoảng 900 quan khách tại khách sạn New Otani ở Tokyo.

Trước đó, để tỏ lòng tôn trọng và tiếc thương những nạn nhân thiệt mạng trong siêu bão Hagibis mới đây cùng người thân của họ, lễ diễu hành trên xe mui trần kéo dài khoảng 30 phút trong lễ đăng quang của nhà vua đã được dời lại đến tháng 11.

Nhật hoàng thời hiện đại đầu tiên không sinh con trai

Nhật hoàng Naruhito là con cả trong số 3 người con của thái thượng hoàng Akihito và thái thượng hoàng hậu Michiko.

Ông được mẹ nuôi dưỡng, đi học trường quốc gia thay vì truyền thống giao cho vú nuôi chăm sóc từ sơ sinh cũng như học tập ngay trong cung điện.

Sau khi nhận tấm bằng cử nhân Lịch sử tại Đại học Gakushuin ở Tokyo năm 22 tuổi, ông đến Anh để học thạc sĩ ngành vận tải đường sông châu Âu thời trung cổ tại Đại học Oxford.

Nhật hoàng Naruhito hết lòng chăm lo cho con gái Aiko, năm nay 18 tuổi.

 

Giống như cha mình – thái thượng hoàng Akihito, ông Naruhito cũng phá vỡ quy tắc hoàng gia khi cưới một thường dân, đó là Masako Owada, một nhà ngoại giao tốt nghiệp hạng ưu Đại học Harvard, có thể nói 6 ngôn ngữ: Anh, Nga, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Đức.

Hoàng hậu Masako hạ sinh Công chúa Aiko năm 2001, song theo luật hoàng gia tồn tại từ cuối thế kỷ 19, phụ nữ không được thừa kế ngai vàng. Vì thế bà Masako phải chịu nỗi áp lực ghê gớm mang tên “sinh con trai” nhằm bảo toàn tương lai “cha truyền con nối”.

Trở thành Nhật hoàng thời hiện đại đầu tiên không sinh con trai, Nhật hoàng Naruhito đã hết lòng chăm lo cho con gái Aiko, năm nay 18 tuổi. Ông cũng ủng hộ đàn ông trở thành những người cha gần gũi với con cái hơn – điều vẫn chưa phổ biến ở xã hội Nhật Bản.

Cam kết “dành hết tâm trí cho nhân dân”

Nhật hoàng Naruhito là người dành rất nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu về môi trường. Ông đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về nước sạch. Năm 2015, ông từng đưa ra góp ý với một ban cố vấn của Liên hợp quốc về vấn đề nước và vệ sinh.

Ông Kenzo Hiroki, cựu nhân viên Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, từng hợp tác nghiên cứu với ông Naruhito tiết lộ với báo Asahi Shimbun rằng mối quan tâm về các vấn đề nước sạch của Thái tử đã hình thành sau khi ông tận mắt chứng kiến cảnh tượng phụ nữ và trẻ em phải xếp hàng để hứng nước tại Pokhara, Nepal năm 1987.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako trò chuyện với những người sống sót sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011 tại một trung tâm sơ tán ở thị trấn Yamamoto, tỉnh Miyagi ngày 4/6/2011.

 

Về phần Công nương Masako, mối quan tâm của bà là trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những em bị lạm dụng hoặc sống trong nghèo đói ở Nhật Bản.

Luôn ca ngợi thái thượng hoàng Akihito và thái thượng hoàng hậu Michiko vì sự gần gũi và đồng nhất mạnh mẽ của họ với công chúng trong suốt hơn 30 năm qua, Nhật hoàng Naruhito đã liên tục bày tỏ tầm nhìn về một vị hoàng đế lý tưởng – một người có thể chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người dân và luôn gần gũi với họ trong suy nghĩ.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau lễ đăng cơ, Nhật hoàng Naruhito tuyên bố ông sẽ luôn “hành xử theo đúng hiến pháp” và hoàn thành nhiệm vụ làm biểu tượng của đất nước. Ông đồng thời khẳng định sẽ luôn “dành hết tâm trí cho nhân dân” như tấm gương của phụ hoàng Akihito.

Nguồn: https://vietnamfinance.vn; Link bài viết gốc.; Ảnh bìa: https://newsbeezer.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here