Hồng là thức quà đặc trưng của mùa thu Nhật Bản mà bất kỳ ai khi đến Nhật Bản vào mùa thu cũng muốn có cơ hội để thưởng thức. Hồng của Nhật không chỉ ngon, ngọt mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món ăn, món tráng miệng khác nhau như hồng khô treo gió, dùng làm trà hay wagashi.

Nguồn gốc của quả hồng tại Nhật

Hồng là loại trái cây phổ biến ở Nhật Bản khi tiết trời vào thu/ Photo: https://www.pref.yamagata.jp

Hồng là loại trái cây phổ biến ở Nhật Bản khi tiết trời vào thu. Nhiều người cho rằng nó có nguồn gốc từ sông Dương Tử ở Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản qua Hàn Quốc từ khoảng hơn 1000 năm trước. Tại Nhật, ngoài khu vực Hokkaido và Okinawa, hồng được trồng rải rác ở các đảo Honshu, Shikoku và Kyushu. Vì hồng là loài cây ưa nhiệt độ ấm nên nó được trồng nhiều và phát triển tốt nhất ở các tỉnh Wakayama, Fukuoka và Nara.

Quả hồng chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng

Quả hồng chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng / Photo: https://rankin-good.com

Cũng giống như nhiều loại trái cây khác, quả hồng chứa rất nhiều loại vitamin như vitamin A và C, β-carotene, vitamin B phức hợp, kali, phốt pho, sắt, iốt và các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là hàm lượng vitamin C cao gấp từ 1-2 lần so với các loại trái cây thông thường. Ngoài ra trong quả hồng còn chứa zeaxanthin tốt cho thị lực và chất xơ hòa tan trong nước pectin giúp giữ ẩm cho ruột, ngăn ngừa bệnh táo bón.

Quả hồng có 2 loại : hồng ngọt (không chát) và hồng chát

Bạn có thể dễ dàng nhận biết các loại hồng khác nhau qua hình dáng của chúng.

Hồng chát – Shibugaki

Quả hồng chát Shibugaki / Photo: https://obenkyo-manabou-mamechisiki.com

Những trái hồng chát có hình thuôn dài và hơi nhọn ở phần bên dưới. Chúng thường được phơi khô để loại bỏ vị chát trước khi thưởng thức. Nếu bạn muốn ăn quả tươi, bạn cần phải đợi cho đến khi trái hồng chín hoàn toàn, trở nên mềm như thạch và vị chát sẽ biến mất một cách tự nhiên.

Hồng ngọt – Amagaki

Quả hồng ngọt Amagaki / Photo: http://awara.info

Loại hồng này có hình dẹt và bởi những trái hồng không có vị chát nên bạn có thể thưởng thức khi trái hồng còn tươi, miếng hồng vẫn còn giòn và chắc. Loại hồng không chát có nguồn gốc từ Nhật Bản, là một giống đột biến của hồng chát. Giống hồng ngọt cổ nhất có tên gọi “Zenjimaru”, được đặt theo tên của ngôi đền vào thời kỳ Kamakura năm 1214 nơi tìm thấy giống cây đầu tiên vào khoảng 800 năm trước.

Hồng chát thường được dùng để làm món hồng khô treo gió – Hoshigaki

Hồng chát thường được dùng để làm món hồng khô treo gió / Photo: https://weathernews.jp

Vào mùa thu, nếu bạn đi dạo ở vùng nông thôn nước Nhật, bạn sẽ thấy những trái hồng đã được lột vỏ và treo lên để sấy khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau khi được phơi dưới ánh nắng, những trái hồng trở nên ngọt, đậm vị hơn, vị chát ban đầu cũng sẽ không còn nữa.

Vị chát trong quả hồng là từ chất tannin có trong loại quả này. Khi tannin tồn tại trong nước, nó sẽ tan trong nước bọt và lưỡi của bạn sẽ nếm được vị khó chịu này. Việc loại bỏ vị chát về cơ bản là làm cho chất tannin không thể hòa tan nhờ kết hợp nó với một chất khác, khi đó lưỡi của bạn sẽ không cảm nhận được vị chát không mong muốn.

Thành phẩm quả hồng chát sau khi được phơi khô / Photo: http://kakishibu-mania.com

Khi quả hồng chát được lột vỏ và phơi khô, bề mặt quả hồng tạo thành một lớp vỏ se chắc lại và làm quả bị co lại. Điều này tạo nên một chất gọi là acetaldehyde trong trái cây. Đó chính là thứ gây ra cảm giác chóng mặt, nôn nao cho bạn sau một đêm đi chơi mệt nhoài. Chất tannin được kết hợp với loại chất này để không tan trong nước bọt nữa.

Hoshigaki (hồng khô) cũng có thể làm từ loại hồng ngọt, nhưng người ta nói rằng loại hồng chát trở nên ngọt hơn nhiều sau khi được phơi khô.

Lá hồng cũng được tận dụng làm thực phẩm

Làm trà

Trà lá hồng / Photo: https://www.adachi-kakien.com

Người ta nói rằng những chiếc lá của cây hồng rất có lợi cho sức khỏe nên thường được sử dụng để pha trà. Lá của cây hồng chứa nhiều chất xơ và có chất tannin rất tốt trong việc hỗ trợ tiêu hóa. Lá hồng còn có chất giúp ngăn ngừa bệnh cao huyết áp và có hàm lượng vitamin C cao gấp 30 lần so với quả cam. Bên cạnh đó, lá của cây hồng còn chứa nhiều dưỡng chất pro-vitamin C không dễ bị phá hủy ở nhiệt độ cao. Điều này giúp người ta có thể giữ được các dưỡng chất vitamin C trong lá hồng  khi pha trà.

Dùng làm lá cuộn sushi

Lá hồng còn được dùng để cuộn sushi / Photo: https://www.jalan.net

Lá hồng được cho là có một số đặc tính khử trùng, vì vậy người dân ở một số vùng sử dụng chúng để cuốn sushi. Sushi bọc lá hồng là đặc sản địa phương ở các tỉnh Nara, Wakayama và Ishikawa.

Vỏ quả hồng cũng có thể được tận dụng

Vỏ quả hồng cũng có thể được tận dụng / Photo: https://rassic.jp

Ở Nhật Bản, một số người sử dụng vỏ của trái hồng khô để thêm vị ngọt và màu sắc cho món dưa chua củ cải muối.

Ăn quả hồng giúp bạn phục hồi khi gặp cảm giác nôn nao?

Ăn quả hồng giúp bạn phục hồi khi gặp cảm giác nôn nao? / Photo: https://www.olive-hitomawashi.com

Như bạn đã biết, khi bạn có cảm giác say, nôn nao, chất acetaldehyde khiến bạn cảm thấy khó chịu trong người. Do vậy, ở đây một lần nữa lại xuất hiện lý thuyết về liên kết của tannin-acetaldehyde.

Người ta nói rằng, khi bạn ăn một quả hồng, chất tannin có trong trái cây này sẽ kết hợp với những chất không mong muốn và đào thải chúng ra khỏi cơ thể bạn.

Chúng tôi hy vọng những thông tin thú vị trên đây sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn hơn mùa thu và thậm chí cả mùa đông ở Nhật Bản mà không cần phải lo lắng về cảm giác nôn nao nữa.

Nguồn tham khảo: https://www.tsunagujapan.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here