Hòa cùng không khí nô nức của ngày Tết cổ truyền Việt Nam, Nipiko đã thử tìm hiểu về những điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa Tết Việt và Tết Nhật. Mời mọi người cùng xem qua bài viết nhé!

Những điểm tương đồng giữa Tết Việt và Tết Nhật

1. Dọn dẹp nhà cửa

Để chào đón một năm mới thì việc dọn dẹp nhà cửa chắc không riêng gì Việt Nam hay Nhật Bản, mà đất nước nào cũng sẽ phải làm đúng không mọi người?

Photo: https://tktg.vn/

Người Nhật quan niệm để chào đón các vị thần năm mới đến nhà, nhà cửa phải được vệ sinh sạch sẽ. Ngày xưa, người Nhật thường bắt đầu đợt tổng vệ sinh vào ngày 13/12, còn được gọi là ngày “Susuharai”, nhưng do nhịp sống ngày càng bận rộn, nhiều gia đình đợi đến gần ngày 31 mới có thời gian dọn dẹp. Riêng các đền thờ và chùa chiền vẫn tổ chức các buổi lễ Susuharai linh thiêng vào ngày 13 tháng 12.

2. Trang hoàng nhà cửa

Xét về tổng thể và màu sắc thì Tết Việt sinh động hơn, màu sắc vui tươi hơn. Người Việt thích chọn những gam màu như: màu đỏ của câu đối, màu vàng của hoa cúc, hoa mai và màu hồng tươi tắn của hoa đào.

Photo: yan.vn

Còn phong cách trang hoàng nhà cửa trong ngày Tết ở Nhật ít màu sắc hơn, mà chú trọng vào ý nghĩa của các biểu tượng của các vật dùng trang trí. Chẳng hạn như hình con tôm tượng trưng cho sự trường thọ, hay quả quýt sẽ tượng trưng cho sự tài lộc, no đủ.

Photo: shinga-farm.com

3. Xuất hành đầu năm

Vào ngày Mùng 1, cả người Việt và người Nhật đều có phong tục xuất hành đầu năm, thông thường là sẽ đi lễ chùa, nhà thờ.

Photo: https://phatgiao.org.vn

Việc xuất hành đầu năm này trong tiếng Nhật gọi là “Hatsumode”, người Nhật có thể đến lễ Phật ở Chùa hoặc đi lễ thần ở các ngôi đền thờ Thần đạo.

Photo: favy.jp.com

4. Lì xì

Mừng tuổi, chúc Tết và nhận lì xì là một nét văn hóa trong ngày Tết Việt và cả Tết Nhật. Đặc biệt, không khí Tết sẽ càng đầm ấm hơn khi gương mặt các bé ánh lên niềm vui và nụ cười rạng rỡ lúc được nhận lì xì.

Photo: https://thegoldbeehive.edu.vn

Tuy nhiên, ở Nhật lì xì thường được tặng bởi ông bà, cha mẹ, cũng như cô, chú, cậu, dì. Số tiền được lì xì tùy thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ và nó được cho vào một phong bì nhỏ trước khi đưa cho đứa trẻ. Số tiền thay đổi từ 500 đến 10.000 yên, trẻ lớn hơn nhận được số tiền lì xì nhiều hơn.

Photo: nippon.com

Những điểm khác biệt giữa Tết Việt và Tết Nhật

1. Thời điểm đón Tết

Nhật Bản hiện nay đón Tết theo Dương lịch còn Việt Nam vẫn gìn giữ nét văn hóa truyền thống là đón Tết theo Lịch Âm. Do đó, xét về thời điểm thì rõ ràng có sự chênh lệch khoảng một tháng.

Photo: tenshoku.mynavi.jp

2. Mâm cỗ, món ăn cho ngày Tết

Mâm cỗ ngày Tết ở Việt Nam có sự khác biệt một chút tùy theo vùng miền, tuy nhiên rõ ràng là vẫn có sự tương đồng nhất định. Ví như bánh chưng và bánh tét tuy có hình dạng khác nhau, nhưng về thành phần nguyên liệu thì hầu như không có nhiều khác biệt. Ngoài ra, gà luộc, thịt kho, chả lụa…là những món hầu như miền nào cũng ưa chuộng.

Photo: laodong.vn

Mâm cỗ ngày Tết của người Nhật được gọi là “Osechi”, và mỗi món trong mâm “Osechi” đều mang những ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn như: tôm biểu thị cho sự trường thọ, trứng cá với ước muốn con cháu đầy đàn, củ sen với ý nghĩa cầu một năm mới mọi việc được thuận lợi, hanh thông…

Photo: macaro-ni.jp

Trên đây mới chỉ là một vài điểm tương đồng và khác biệt mà Nipiko tìm hiểu được và chia sẻ với mọi người. Chắc hẳn giữa hai nền văn hóa sẽ còn nhiều nét tương đồng và khác biệt nữa, Nipiko sẽ tìm hiểu và chia sẻ với mọi người vào dịp sau nhé.

Chúc mọi người một năm mới An khang, thịnh vượng và Vạn sự như ý!

 

Nguồn: Tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here