Trong thời gian xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 5 vào mùa hè vừa qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Nhật Bản đã tăng lên mức chưa từng có, có lúc vượt 25.000 ca vào giữa tháng 8. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8, số ca nhiễm bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 5/10, số ca nhiễm mới mỗi ngày đều thấp hơn 1.000 ca trong 3 ngày liên tiếp, tức là chỉ bằng khoảng 1/25 so với giai đoạn đỉnh dịch. Dưới đây là tổng hợp của đài NHK về ý kiến của các chuyên gia vì sao số ca nhiễm giảm mạnh.
1. Trưởng ban cố vấn chính phủ Omi Shigeru
Vào ngày 28/9, Chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Trong buổi họp báo tổ chức cùng ngày, ông Omi Shigeru, trưởng ban cố vấn của chính phủ trình bày một số lý do dẫn tới quyết định nói trên.
Nguyên nhân đầu tiên là do hầu như không có các kỳ nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ dài hơn thông thường, chẳng hạn như nghỉ hè, là những dịp lưu lượng đi lại của người dân có xu hướng gia tăng. Điều này có đồng nghĩa với việc có ít nguy cơ lây lan vi-rút từ người sang người hơn.
Thứ hai là người dân nhận thức được tình trạng khủng hoảng sau khi biết có nhiều người buộc phải dưỡng bệnh tại nhà khi các bệnh viện bị quá tải do số ca nhiễm tăng lên.
Thứ ba, số lượng người đến các khu giải trí ban đêm, là nơi thường có nguy cơ lây nhiễm cao, giảm đi.
Thứ tư là công tác tiêm chủng đạt nhiều tiến triển, góp phần làm giảm số ca nhiễm mới, không chỉ ở người cao tuổi mà còn ở các nhóm tuổi trẻ hơn.
Cuối cùng là do điều kiện thời tiết thay đổi, chẳng hạn như nhiệt độ và lượng mưa, vốn được coi là các yếu tố rủi ro.
Theo ông Omi, khi thời tiết mát mẻ hơn, người dân thường dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời hơn, góp phần làm giảm tiếp xúc trong không gian kín vốn dễ xảy ra lây nhiễm. Tuy nhiên, ông cho biết điều này chưa được kiểm chứng một cách khoa học. Ông nói sẽ tiếp tục xem xét các yếu tố có thể góp phần làm giảm việc lây nhiễm tới mức độ nào.
2. Giáo sư Wada Koji
Giáo sư Wada Koji thuộc Đại học Quốc tế về Y tế và Phúc lợi là thành viên ban cố vấn của bộ y tế về ứng phó vi-rút corona. Ông cho biết số ca nhiễm giảm có thể là do tiến triển trong công tác tiêm chủng, cũng như các yếu tố liên quan đến thời tiết. Theo giáo sư, nhiệt độ giảm góp phần làm giảm các hoạt động trong nhà sử dụng máy điều hoà nhiệt độ, đồng nghĩa với việc mọi người có thể giữ khoảng cách với nhau dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông cũng nói rất khó để định lượng xem mỗi yếu tố có ảnh hưởng như thế nào đến việc giảm số ca nhiễm mới.
Dự đoán về tình hình trong những tháng sắp tới, giáo sư Wada nói số ca nhiễm mới có thể lại tăng lên khi nhiệt độ giảm hơn nữa trong mùa đông. Ông cho biết lây nhiễm có thể xảy ra trước hết ở thanh thiếu niên và những người trong độ tuổi 20, là nhóm tuổi có tỉ lệ người có khả năng miễn dịch nhờ vào tiêm vắc-xin hoặc do đã từng bị nhiễm thấp hơn. Theo đó, vi-rút có thể lây từ người trẻ sang những người trong độ tuổi trung niên hay người cao tuổi chưa được tiêm vắc-xin, vốn là các đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện triệu chứng nặng. Giáo sư cho biết hiện cũng có nhiều lo ngại cho rằng vi-rút có thể lây lan trong nhóm người cao tuổi do lượng kháng thể sụt giảm sau khi tiêm vắc-xin được một thời gian.
Đề cập đến các biện pháp phòng ngừa, giáo sư Wada nói khi mùa đông tới, tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì càng dễ tránh được tình trạng quá tải cho hệ thống y tế. Ông đề nghị những người chưa tiêm vắc-xin hãy tiêm trước cuối tháng 10. Tuy nhiên, ông cũng cho biết những tiến triển trong công tác tiêm chủng đồng nghĩa với việc ngay cả khi số ca nhiễm mới tăng lên ở một mức độ nhất định, hệ thống y tế cũng sẽ không phải đối mặt với sức ép lớn như trước đây.
Ông cũng chỉ ra rằng cần thảo luận về việc làm sao hiểu thêm về vi-rút corona cũng như cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa đến mức độ nào.
3. Giáo sư Yamamoto Taro – Viện Y học Nhiệt đới Đại học Nagasaki
Giáo sư Yamamoto cho biết ông không thể đánh giá chính xác xem yếu tố nào là nguyên nhân dẫn đến việc số ca nhiễm giảm mạnh nếu không biết được mối liên hệ chính xác giữa số ca nhiễm mới mỗi ngày ở các địa phương với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, Giáo sư Yamamoto cũng cho rằng ngày càng có nhiều người có kháng thể do được tiêm vắc-xin hoặc đã từng nhiễm vi-rút. Theo giáo sư, nếu vi-rút corona dần trở thành một phần cuộc sống hằng ngày và nếu mọi người chấp nhận chung sống với vi-rút ở một mức độ nhất định xét từ góc độ cá nhân, xã hội và kinh tế, thì cần phải có thảo luận về mức độ sống chung với dịch bệnh.
Ông cho rằng Nhật Bản đang bước vào một giai đoạn mới, theo đó các tiêu chuẩn để đánh giá tình hình lây nhiễm dần chuyển sang tập trung vào số ca bệnh nghiêm trọng và số ca tử vong hơn là số ca nhiễm mới mỗi ngày.
Theo Giáo sư Yamamoto, trong tương lai, nếu vi-rút tiếp tục biến đổi và dễ lây lan hơn trong khi vẫn theo đuổi các biện pháp phòng ngừa và hạn chế triệt để để không có ca nhiễm nào, người dân có thể phải sống trong hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều so với hiện tại. Ông cho rằng trong khi từ góc độ bao quát cần xem xét về việc chung sống với vi-rút như thế nào, thì từ góc độ cá nhân vẫn tồn tại nguy cơ bản thân mọi người hay gia đình có thể chuyển nặng hoặc tử vong do vi-rút. Do đó, Giáo sư Yamamoto cho rằng cần thiết lập các phương pháp điều trị cũng như hệ thống y tế để giảm thiểu các ca tử vong.
4. Giáo sư Nishiura Hiroshi – Đại học Kyoto
Giáo sư Nishiura Hiroshi thuộc Đại học Kyoto là thành viên ban cố vấn của bộ y tế về ứng phó vi-rút corona. Ông cho biết có thể giải thích được nguyên nhân đằng sau việc số ca nhiễm giảm mạnh một khi có được kết quả phân tích hiện đang tiến hành.
Tuy nhiên, theo ông Nishiura, có một điều ông có thể nói chắc chắn là hệ số lây nhiễm có xu hướng tăng sau kì nghỉ lễ hoặc nghỉ cuối tuần dài. Hệ số lây nhiễm là chỉ số cho thấy một người nhiễm vi-rút có thể lây thêm cho bao nhiêu người. Theo giáo sư Nishiura thì ngay cả khi nhiều khu vực trên cả nước áp dụng tình trạng khẩn cấp thì hệ số này vẫn tăng sau kì nghỉ lễ. Ông cho biết có thể khẳng định rằng hành vi của từng cá nhân trong kì nghỉ, như gặp những người ít gặp thường ngày, hoặc đi chơi xa và ăn ngoài nhà hàng, đã góp phần làm gia tăng các ca nhiễm thứ cấp.
Theo giáo sư Nishiura thì việc gia tăng tiếp xúc trực tiếp không được kiểm soát chắc chắn sẽ dẫn đến một đợt bùng phát lây nhiễm lớn khác, kể cả khi chương trình tiêm chủng vắc-xin tại Nhật Bản tiếp tục có tiến triển. Ông cho biết cần chuẩn bị cho khả năng xảy ra đợt bùng phát mới vào mùa đông.
5. Ông Wakita Takaji – Viện trưởng Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm
Ông Wakita Takaji, Viện trưởng Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản, đồng thời là người đứng đầu ban cố vấn của bộ y tế về ứng phó vi-rút corona. Ông cho biết có một số chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến việc số ca nhiễm giảm mạnh là do số người ra ngoài vào buổi tối để đến các khu vực giải trí giảm, và chương trình tiêm chủng vắc-xin có tiến triển. Tuy nhiên, theo ông thì các nhân tố này là không đủ để giải thích lý do tại sao số ca nhiễm giảm mạnh.
Ông cho biết trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, những người trẻ bị nhiễm vi-rút không làm lây lan sang người cao tuổi một phần là do vắc-xin có hiệu quả. Ông cho biết số ca nhiễm trong giới trẻ luôn có xu hướng tăng rất nhanh và giảm cũng rất nhanh. Ông cho biết có thể xu hướng lây nhiễm trong giới trẻ đã trở thành xu hướng lây nhiễm chính trong làn sóng mới nhất. Theo ông thì cần nghiên cứu và phân tích thêm vì hiện vẫn chưa rõ trong số rất nhiều nhân tố thì từng nhân tố có ảnh hưởng ở mức độ nào đối với việc số ca nhiễm mới giảm mạnh.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng vi-rút corona đã tiếp tục đột biến, ông Wakita cho biết ông không nghĩ như vậy. Ông cho biết viện của ông đã tiến hành phân tích mẫu gen của vi-rút corona nhưng phát hiện rất ít điểm khác biệt giữa mẫu vi-rút trong thời điểm hiện tại khi số ca nhiễm giảm và mẫu vi-rút vào thời điểm số ca nhiễm tăng mạnh. Ông Wakita cho biết hiện tại ông không nghĩ rằng vi-rút đã yếu hơn trước.
Khi được hỏi về các biện pháp cần thực hiện từ bây giờ trở đi, ông Wakita cho biết tại một số khu vực trên cả nước, số ca nhiễm là người nước ngoài đang gia tăng, do đây là nhóm có tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp hơn. Theo ông thì điều quan trọng là về mặt y tế công cộng thì chính phủ cần phải có biện pháp để thúc đẩy tiêm chủng đối với những người được coi là có nguy cơ cao, cũng như tại các khu vực và các cộng đồng mà người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tiêm chủng.
Theo: NHK World Japan ( tháng 10 năm 2021); Ảnh bìa: https://tabizine.jp